CHUYỆN ÍT BIẾT VỀ SÀI GÒN XƯA: ĐỒNG BẠC DÙNG CHUNG CHO ĐÔNG DƯƠNG

05/03/2020 09:16:46

Khi người Pháp mới chiếm được Nam kỳ, họ chưa có loại tiền riêng để lưu hành, phải dùng đồng franc của Pháp và đồng bạc Mễ Tây Cơ (còn gọi là đồng bạc con cò)

chuyen-it-biet-ve-sai-gon-xua-dong-bac-dung-chung-cho-dong-duong
Dân chúng không quen với 2 loại tiền này nên gây không ít trở ngại về tài chính buộc chính quyền mới vẫn phải công nhận và cho lưu hành tiền nhà Nguyễn mang các niên hiệu Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức bằng đồng hay kẽm.
 
Trong thời gian từ năm 1874 – 1879, ở Nam kỳ người Pháp cho dùng cả đồng đô la Mỹ, đô la Hồng Kông và đồng tiền Ấn Độ. Do đó, ở Sài Gòn phát sinh dịch vụ đổi tiền các loại làm cho một số Ấn kiều có dịp đầu cơ thu lợi. Nếu đem so sánh giá hối đoái theo giá chính thức, thì 1 đồng franc đổi được 600 đồng tiền của ta, 1 đồng bạc con cò đổi được 3.000 đồng tiền của ta.
 
*Ngân hàng Đông Dương
 
Ngày 21.1.1875, tổng thống Pháp ban hành sắc lệnh thành lập Ngân hàng Đông Dương, trụ sở đặt tại Paris (Pháp) và chi nhánh đặt ở các nước thuộc địa, giao độc quyền phát hành đồng bạc để thống nhất tiền tệ toàn xứ Đông Dương, trong đó có Nam kỳ, thời hạn 45 năm từ 1875 – 1920. Sau đó, lưỡng viện quốc hội Pháp quyết định tăng thêm độc quyền 25 năm nữa. Để bảo đảm uy tín cho đồng bạc của ngân hàng, ngày 5.7.1881 tổng thống Pháp ban hành sắc lệnh bắt buộc phải dùng đơn vị tiền tệ là đồng bạc (piastre) trong việc lập ngân sách Nam kỳ kể từ niên khóa 1882. Mọi thu chi đều dùng đồng bạc của Ngân hàng Đông Dương gồm 2 loại: loại đúc bằng kim khí và loại in bằng giấy.
 
Loại bằng kim khí có mệnh giá 1 đồng, 50 xu, 20 xu, 10 xu (thường gọi 5 hào hay cắc, 2 hào, 1 hào), 5 xu, 1 xu và nửa xu. Loại 1 đồng được đúc bằng bạc, hình tròn, đường kính 34 mm, không có lỗ ở giữa, mặt trước có hình bà Marianne nữ thần tự do (biểu tượng nền Cộng hòa Pháp), do đó dân chúng quen gọi là đồng bạc bà đầm xòe, vành phía trên đề chữ République Française, phía dưới đề năm phát hành. Đó là các năm 1879, 1885 và 1895. Loại 50 xu, 20 xu, 10 xu cũng đúc bằng bạc. Loại 5 xu bằng bạc pha kền, loại 1 xu và nửa xu làm bằng đồng điếu, cả hai loại này ở giữa có lỗ tròn. Loại nửa xu được làm vào năm 1938. Nghị định của Toàn quyền Đông Dương cho lưu hành kể từ ngày 1.1.1880 các loại hào và xu trên đây.
 
Các loại tiền bằng bạc rất được các nhà giàu ưa thích, thường bỏ tiền hay hàng hóa ra mua giá cao để tích trữ, do đó số tiền lưu hành trên thị trường ít dần, trở ngại lớn cho việc giao thương. Để chấm dứt tình trạng đó, năm 1917 Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định nói rõ: ai đã mua, bán hay đổi hoặc hứa hẹn mua, bán, đổi chác các đồng bạc và hào xu của Ngân hàng Đông Dương cao hơn giá trị hợp pháp hoặc có hứa thù lao nào đó đều bị phạt tù từ 1 – 15 ngày và phạt tiền từ 16 – 100 fr hay một trong 2 hình phạt đó. Việc tịch thu các đồng bạc và tiền lẻ của Ngân hàng Đông Dương có thể được cơ quan kho bạc tuyên bố nếu xét thấy có sự thiệt hại cho quyền lợi của cơ quan này.
 
Loại bạc bằng giấy do Ngân hàng Đông Dương phát hành gồm 2 giai đoạn với một số đặc điểm khác nhau. Từ ngày 21.1.1875 đến ngày 21.1.1920, có các loại giấy bạc: 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng, 100 đồng (ảnh). Trên tờ giấy bạc 1 đồng phát hành ngày 3.8.1891 có đóng thêm chữ SAIGON bằng mực đỏ. Sở dĩ như vậy là vì lúc in tờ giấy bạc chưa có chủ trương giới hạn khu vực phát hành. Sau đó mới có quyết định chỉ phát hành tại Sài Gòn và lưu hành trên đất Nam kỳ mà thôi.
 
*Cuộc khủng hoảng tài chính
 
Sắc lệnh của tổng thống Pháp chỉ cho phép ngân hàng tung ra thị trường một số lượng giấy bạc không được quá 3 lần số quý kim và đá quý tồn trữ. Nhưng đến năm 1920 tổng số đó đã vượt quá 12,6 lần, vì ngân hàng được độc quyền phát hành giấy bạc mà lại không có cơ quan nào kiểm soát gây nên khủng hoảng tài chánh trong hai năm 1919 – 1920. Dân chúng đổ xô đến các chi nhánh hay đại lý ngân hàng đòi đổi giấy bạc lấy vàng và đá quý đúng giá tương đương đã được ghi trên giấy bạc, khiến ngân hàng có thể phá sản. Để bảo vệ quyền lợi của giới tư bản tài chánh, tháng 3.1920 Toàn quyền Đông Dương tuyên bố “chế độ lưu hành cưỡng bức” đối với đồng bạc. Lại cho phép lưu hành thêm 25 triệu đồng nữa ngoài số đã có, cho phép ngân hàng không phải đổi quý kim và đá quý cho người có giấy bạc, mặc dầu trên tờ giấy bạc vẫn còn ghi câu “Payables en espèces a vue au porteur” (trả bằng vàng cho người cầm giấy bạc này).
 
Ngày 21.1.1920 phát hành giấy bạc lần 2. Thực ra ban đầu thời hạn độc quyền chỉ được từng hạn 6 tháng. Hết 6 tháng lại được gia hạn tiếp bằng sắc lệnh của tổng thống Pháp. Về sau thấy cứ gia hạn kiểu đó quá phiền phức, vả lại việc phát hành giấy bạc cũng chỉ có Ngân hàng Đông Dương đảm trách liên tục, chẳng có cơ quan nào xen vào nên trong phiên họp ngày 2.2.1931, Hạ nghị viện Pháp giao độc quyền cho Ngân hàng Đông Dương phát hành giấy bạc trong 25 năm. Theo đó, thời hạn phải đến năm 1956 mới hết nhưng đến cuối năm 1939 chiến tranh thế giới bùng nổ, nước Pháp bị Đức chiếm đóng, chỉ còn liên lạc với Đông Dương bằng vô tuyến điện nên ngân hàng đặt trụ sở tại Paris cũng ngưng việc phát hành giấy bạc vì không thể chở qua được.
 
-cre: Nguyễn Đình Tư
 
👉 VÀ NẾU MUỐN THẤY LẠI HOẶC SƯU TẦM NHỮNG ĐỒNG TIỀN NÀY, BẠN CỨ ĐẾN CAFE CHỢ ĐỒ CỔ NHÉ!
Hoạt động: Cà phê
Thứ 2 đến Thứ 7 từ 7h00 - 22h00
Chủ Nhật từ 14h00 - 22h00

Giao lưu xe cổ
Thứ 7 từ 7h00 - 12h00

Chợ đồ cổ Sài gòn
Chủ Nhật từ 6h00 - 14h00
Liên hệ: 311/27 Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM, Việt Nam

Hotline: 093 27 311 27
Email: cafechodoco@gmail.com

Xem bản đồ
Loadding...
X